Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng phải trả giá, và cái giá mà Đà Nẵng phải trả cho việc thực hiện chủ trương “đổi đất lấy hạ tầng” là không hề rẻ. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà nguồn lực về đất đai ngày càng khan hiếm.
Đổi đất lấy hạ tầng
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được chia tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Khi ấy, Đà Nẵng mới là đô thị loại 3, tình hình kinh tế và đời sống xã hội vô cùng khó khăn.
Đà Nẵng lúc ấy chẳng khác gì “đứa con nhà nghèo”, với xuất phát điểm thấp, quy hoạch rời rạc, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại khó khăn. Đời sống xã hội còn quá nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ lại xảy ra liên miên khiến cho thành phố đã khó càng thêm khó.
Song cái khó cái khổ ấy không thể “đánh gục” được ý chí, nghị lực của người dân xứ Quảng. Ngược lại, đó còn là động lực quan trọng giúp Đà Nẵng mạnh dạn hơn, quyết tâm hơn vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Đến hôm nay, Đà Nẵng có thể tự hào khi nhìn lại quy mô nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 1997-2021 đạt khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người hiện cao gấp 15 lần so với năm 1997, diện mạo đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng. Không gian đô thị được mở rộng gấp 3,5 lần so với năm 1997. Môi trường đầu tư của thành phố được đánh giá là năng động và thông thoáng. Đặc biệt, Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh.
Du lịch Đà Nẵng cũng đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hàng loạt các dự án đầu tư dịch vụ chất lượng cao, hình thành nên thương hiệu cạnh tranh mang tầm khu vực.
Sự thay đổi có thể nhìn thấy rõ nét nhất của thành phố hơn 20 năm qua chính là đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị với quan điểm lấy đầu tư hạ tầng là khâu đột phá, làm cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của thành phố.
Từ đó hàng loạt các dự án các khu đô thị, khu dân cư mới, trung tâm hành chính, tuyến đường giao thông mới được hình thành và mở rộng, các khu nhà lụp xụp bên sông Hàn cũng đã được giải tỏa.
Những cây cầu vượt sông Hàn, cùng với những tuyến đường ven biển đã mở ra hướng phát triển mới nhằm khai thác những thế mạnh tuyệt vời mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố.
Có thể thấy, chủ trương đổi đất lấy hạ tầng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Song cái giá phải trả cho sự phát triển này cũng đã để lại nhiều bài học lớn.
Đây cũng chính là thách thức đặt ra với thành phố trong giai đoạn phát triển sắp tới khi nguồn lực đất đai đang ngày càng khan hiếm.
Và chắc chắn, câu chuyện sử dụng hiệu quả nguồn lực về đất đai sẽ còn là vấn đề được mổ xẻ, phân tích rất nhiều. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, khi thành phố Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022.
Không thể mãi dựa vào nguồn lực đất đai
Bàn về chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, tiến sĩ Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn mang tính tình thế khi ngân sách của địa phương còn hạn hẹp để phát triển kết cấu hạ tầng và mở rộng không gian thành phố.
Tuy nhiên, chủ trương này được thực hiện không dựa trên một bản quy hoạch được xây dựng với tầm nhìn dài hạn và mô hình tăng trưởng bền vững đã dẫn đến một đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, hiệu quả sử dụng đất chưa cao.
Ông Đông cho rằng những kết quả đạt được thời gian qua chính là nền móng bền vững cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn tiếp theo. Thế nhưng, nếu chúng ta chủ yếu định hướng theo nếp cũ, chủ yếu dựa vào nguồn lực đất đai thì dư địa phát triển sẽ sớm cạn kiệt.
Trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng đã được định hướng trở thành thành phố đáng sống, nơi thu hút những tầng lớp tinh hoa tới an cư và lập nghiệp.
Định hướng này không thể được hình thành từ sự phát triển tự phát, tùy tiện theo sự dẫn dắt của các lợi ích ngắn hạn, trước mắt từ phía các nhà kinh doanh bất động sản thuần túy mang tính đầu cơ hay nhờ sự ngẫu nhiên nào đó trong quá trình phát triển mang lại. Thay vào đó, nó phải được bắt đầu ngay từ tầm nhìn chiến lược dài hạn của bản quy hoạch.
Không thể có một bản quy hoạch tồn tại mãi mãi không thay đổi. Song mỗi sự điều chỉnh sửa đổi lỗi quy hoạch đều phải trả giá đắt cho sự phát triển tương lai của thành phố.
Tính bền vững ổn định theo thời gian là chất lượng thước đo của một bản quy hoạch. Làm được như vậy thì du khách và thương nhân đến với Đà Nẵng mới nhận ra được sự duyên dáng, hấp dẫn của thành phố khác với các đô thị khác trên thế giới.
Tiến sĩ Đông cũng nhấn mạnh, thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng những bãi biển xanh cát trắng, những dòng sông xanh, những dãy núi xa mờ từ cao hướng ra biển,...
Đó sẽ là những khu vực cần được ưu tiên phát triển bất động sản cao cấp, thu hút tầng lớp ưu tú, thu nhập cao đến làm ăn, kinh doanh, nghỉ dưỡng tại thành phố. Đồng thời, đây còn là những thực thể kinh tế sống động đóng góp gia tăng cho nguồn thu của ngân sách địa phương.
Để tránh xung đột lợi ích giữa các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, Đà Nẵng cần có quy hoạch phân khu chức năng với đặc điểm địa hình của thành phố. Song song với đó, cần nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng việc phát triển theo mô hình đô thị nén, trung tâm sầm uất và sôi động.
Đà Nẵng chỉ nên phát triển xong khu này mới phát triển sang khu vực khác theo hình thức cuốn chiếu để phát huy ngay hiệu quả sử dụng đất theo quy luật cung cầu nhằm tăng thu ngân sách và tăng khả năng quay vòng vốn của nhà đầu tư, giữ đất cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.
Thực hiện thành công bản quy hoạch tổng thể thành phố Đà Nẵng sẽ góp phần đạt được những mục tiêu, khát vọng đã được nêu ra trong Nghị quyết 43 của Bộ Chính Trị và sẽ đưa đà Nẵng thực sự trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
“Để trở thành một đô thị trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng cần ưu tiên làm những việc mà các địa phương khác không làm hoặc không thể làm, dựa theo những lợi thế cạnh tranh đặc trưng của mình để phát triển những lĩnh vực, như khoa học công nghệ, logistic, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, sân bay bến cảng”, tiến sĩ Đông chia sẻ thêm.