Giải Tỏa Phần Nào Cơn Khát Vốn Thị Trường Bất Động Sản
Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra thông tin về việc nới tín dụng vào ngày 7/9 vừa qua. Theo đó, một số ngân hàng thương mại mở tín dụng với mức tăng trưởng từ 3-4,5%. Báo cáo của SSI Research nhận định, việc hạn mức tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Mặc dù số lượng ngân hàng nới room ở mức độ cho phép, nhưng theo các chuyên gia, động thái này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý, kỳ vọng thị trường BĐS cuối năm sẽ ấm trở lại.
Động thái nới room tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS khơi thông dòng vốn sau thời gian dài khó khăn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, động thái nới hạn mức tín dụng trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khó khăn, dự án đình trệ vì thiếu vốn khi ngân hàng dừng giải ngân do hết room. Thị trường đã có xu hướng giảm nhiệt rõ ràng cả về cung và cầu. Vậy nên nới room tín dụng kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tín hiệu tích cực hơn cho cả người mua nhu cầu ở thực, nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp phát triển.
Nhìn nhận diễn biến này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, việc nới room tín dụng sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp BĐS và tăng dư địa cho thị trường phục hồi, tái phát triển. Thị trường BĐS TP.HCM được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào những tháng cuối năm lúc dòng tín dụng khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho và tích cực hơn trong phát triển nguồn cung mới. Tuy nhiên room tín dụng mới được cấp phần nào chỉ giải toả được cơn khát vốn cho doanh nghiệp và người dân, nhưng khó lòng đáp ứng hết nhu cầu, nhất là vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Dòng tiền sẽ vẫn chỉ chảy vào các dự án có quy mô, chất lượng của các chủ đầu tư giàu uy tín.
Chờ Tín Hiệu Vui Từ Nguồn Cung Quý Cuối Năm
Thực tế từ thị trường cho thấy, sau giai đoạn siết tín dụng, số lượng chủ đầu tư có dự án mới triển khai sụt giảm mạnh. Nếu như các năm trước đây, mỗi năm nguồn cung bán căn hộ TP.HCM có hàng trăm dự án lớn nhỏ, từ đầu năm 2022 đến nay con số này chỉ lác đác trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, không phủ nhận, siết tín dụng là biện pháp tốt để thanh lọc thị trường sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Dù nguồn cung mở bán 8 tháng qua khá ít ỏi nhưng đều là những dự án có chất lượng tốt xét ở cả khía cạnh sản phẩm lẫn chủ đầu tư, đáp ứng được bài kiểm tra khốc liệt về tín dụng và pháp lý.
Ví như 2 dự án nhà ở cùng thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực là Flora Panorama (thuộc KĐT Mizuki Park 26ha Bình Chánh) và Akari Flora (thuộc KĐT Akari City Bình Tân) của CĐT Nam Long Group. Hai dự án này đều là nguồn cung chủ lực của thị trường BĐS khu Tây và khu Nam TP.HCM 8 tháng vừa qua. Theo ghi nhận, tỷ lệ tiêu thụ từ các đợt mở bán của cả hai dự án này đều đạt mức 90-100% nguồn hàng.
Theo tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn, cả hai dự án trên đều có mô hình triển khai chung theo hướng đô thị tích hợp, sản phẩm có giá vừa túi tiền. Cụ thể, giá bán căn hộ view sông Flora Panorama dao động từ 43-50 triệu đồng/m2 còn giá căn hộ Akari City hiện đang rơi vào mức trên dưới 45 triệu đồng/m2 . Vì CĐT Nam Long có thế mạnh về tài chính khi bắt tay với các đối tác Nhật Bản, nên dù trong giai đoạn dòng tiền khó, tiến độ xây dựng và chính sách thanh toán, hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi vẫn được CĐT áp dụng cho người mua nhà. Tầm giá phù hợp cho người mua thực, chất lượng xây dựng tốt, hệ thống tiện ích đa dạng là giúp các sản phẩm Nam Long luôn có thanh khoản cao và được người ở thực ưa chuộng.
Thị trường BĐS các tháng cuối năm dự kiến sẽ sôi động hơn nhờ dòng vốn ngân hàng khơi thông và nguồn cung mới gia nhập.
Hay, ở khu vực phía Đông, CĐT Điền Phước Thành cũng thành công khi triển khai dự án khu phức hợp MT Eastmark City (TP. Thủ Đức). Theo đó, giá bán căn hộ MT Eastmark City chỉ vào khoảng 39 triệu đồng/m2. Trong 2 đợt mở bán của dự án này, gần như 100% sản phẩm giới thiệu ra thị trường đều được tiêu thụ. Bên cạnh giá, giải pháp tài chính sở hữu nhà được ngân hàng hỗ trợ vay 70% với ưu đãi 0% lãi suất và ân hạn nợ gốc lên đến 30 tháng. Chính sách vay này giúp những hộ gia đình trẻ tài chính có hạn dễ dàng sở hữu nhà trong bối cảnh vay tín dụng từ ngân hàng đang có hạn chế.
Trong các tháng tới đây, thị trường BĐS hứa hẹn sẽ còn đón thêm nhiều dự án chất lượng tốt được triển khai khi dòng vốn đang dần khơi thông. Tại TP.HCM, loạt dự án hiện hữu sau thời gian dài “tạm nghỉ” đang rục rịch chào bán lại vào quý cuối năm như Sunshine City (quận 7), Shize Home (quận 7), Celesta Heigh (Nhà Bè), Fifa City (Bình Chánh)… Còn ở khu vực giáp ranh, nhiều dự án mới cũng rục rịch kế hoạch ra hàng như Phúc Đạt Group công bố thông tin dự án Phúc Đạt Connect 2. Tập đoàn Bcons cũng có kế hoạch giới thiệu ra thị trường tháp đầu tiên của khu phức hợp Bcons City. Phú Đông Group cũng sẽ tung ra dự án Phú Đông SkyOne. Bên cạnh tầm giá cạnh tranh từ 1-1,5 tỷ đồng, các dự án trên đều đi kèm chính sách vay và thanh toán ưu đãi.
Đánh giá về thị trường BĐS cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, sau hơn nửa năm thắt chặt, room tín dụng của các ngân hàng đã được nới ra. Đây là tín hiệu tích cực cho toàn thị trường BĐS phát triển theo hướng đi lên. Quý 4 sẽ là giai đoạn bật dậy sau quãng nghỉ, doanh nghiệp BĐS đón chờ dòng vốn mới tiếp sức sẽ mạnh tay hơn trong phát triển dự án còn nhà đầu tư cũng chuẩn bị cho chu kỳ đầu tư mới với loạt dự án tốt sắp ra hàng. Giai đoạn cuối năm, thị trường dự kiến sẽ hoạt động tích cực hơn.
Phương Uyên
>> [Cập nhật] Lãi suất vay mua nhà tháng 9/2022: Tốt nhất 4,99%
>> Top 10 ngân hàng cho vay thế chấp lãi suất thấp năm 2022
>> Người mua nhà có chịu ảnh hưởng khi ngân hàng siết vốn vào BĐS?
>>Giá Căn Hộ TP.HCM Lập "Đỉnh" Mới, Tìm Sản Phẩm Giá Mềm Ở Đâu?